Ảnh: Chính phủ Ấn
Nhật Bản và Ấn Độ đã ký kết một hiệp ước quân sự cho phép họ trao đổi nguồn cung và hỗ trợ hậu cần trong bối cảnh căng thẳng với Trung Cộng ngày càng leo thang, theo Taiwan News ngày 11/9.
Theo tờ Hindustan Times, Thỏa thuận mua lại và phục vụ chéo (ACSA) giữa các lực lượng vũ trang Ấn Độ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã được ký kết giữa Đại sứ Nhật Bản Satoshi Suzuki và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Ajay Kumar tại New Delhi hôm thứ Tư (9/9). Hiệp ước sẽ cho phép quân đội hai nước tiếp cận các căn cứ của nhau để tiếp tế và dịch vụ trong quá trình huấn luyện song phương, gìn giữ hòa bình, hoạt động nhân đạo và các hoạt động khác mà hai bên đã thỏa thuận.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc điện đàm kéo dài 30 phút hôm thứ Năm (10/9), hai bên hoan nghênh việc ký kết thỏa thuận và cho biết họ sẽ thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn giữa các lực lượng tại thực địa. Các nguồn cung cấp và dịch vụ trong phạm vi hiệp ước bao gồm thực phẩm, nước, các dịch vụ vận tải, bao gồm xăng dầu, máy bay, thông tin liên lạc và dịch vụ y tế, quần áo, các trang thiết bị, phụ tùng và linh kiện dư cũng như các dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng, theo tờ Hindustan Times. Hiệp ước sẽ có hiệu lực trong 10 năm và sẽ tự động được gia hạn thêm một thập kỷ nữa trừ khi một trong hai quốc gia quyết định chấm dứt hiệp ước này.
Theo Times of India, Ấn Độ đã có các thỏa thuận tương tự với Mỹ, Úc, Pháp, Hàn Quốc và Singapore.
Thủ tướng Abe cho biết Ấn Độ và Nhật Bản đang nỗ lực hướng tới việc xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời chỉ ra mối quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu đặc biệt giữa hai nước trong số những thành tựu chính trong quan hệ song phương. Trong cuộc gọi, Abe cũng thông báo ngắn gọn với Thủ tướng Modi về quyết định từ chức vì lý do sức khỏe, mà Thủ tướng Ấn Độ đã trả lời bằng cách cảm ơn sự lãnh đạo của ông Abe và vì tăng cường mối quan hệ song phương, theo tờ Japan Times.
Trước đó, Mỹ cũng lên tiếng về ý định thành lập liên minh như NATO để đối phó Trung Cộng. Theo đó Washington đang dự tính chính thức hóa mối quan hệ quốc phòng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chặt chẽ hơn với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia – để tạo nên một “Bộ Tứ” – một cơ cấu tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)
Hương Thảo
Source: DKN
Comments