Ảnh: Chính phủ Mỹ
Với tình trạng Ấn Độ vẫn đang lâm vào thế bế tắc quân sự ở biên giới với Trung Cộng, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu đã chia sẻ với Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Shringla về tình hình an ninh ngày càng xấu đi ở Biển Đông, sau khi Bắc Kinh triển khai máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tại các đảo tranh chấp, theo tờ Thời báo Ấn Độ ngày 22/8.
Mặc dù các nguồn tin ngoại giao mô tả đây chỉ là một cuộc gặp xã giao, nhưng cuộc gặp đã chứng kiến ngài đại sứ chia sẻ về quan điểm của Việt Nam với Ngoại trưởng Shringla về sự bùng nổ tranh chấp mới nhất trong khu vực, và cũng bày tỏ quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy “quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện” với Ấn Độ.
Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu (thứ hai từ bên trái) trình bày với Ngoại trưởng Ấn Độ về tình hình Biển Đông (ảnh chụp màn hình/The Times of India).
Đầu tháng này, Trung Cộng đã triển khai máy bay ném bom H-6J đến đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa, nhằm thách thức các hoạt động quân sự của Mỹ trong khu vực, theo truyền thông nhà nước Trung Cộng. Tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã dẫn lời các chuyên gia nhận định rằng nó sẽ đóng vai trò như một “lời răn đe lớn” đối với các hàng không mẫu hạm Mỹ.
Việt Nam đã phản ứng trước động thái này, và cho biết Trung Cộng không chỉ vi phạm chủ quyền mà còn “gây nguy hiểm” cho tình hình trong khu vực.
Hai quan chức trong cuộc họp đã thảo luận về những diễn biến gần đây liên quan đến sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Cộng. Ngoài việc mở rộng quan hệ quốc phòng với Ấn Độ, Việt Nam cũng tìm kiếm vai trò lớn hơn của Ấn Độ trong việc thăm dò các lô dầu khí ngoài khơi bờ biển của họ ở Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Cộng rằng khu vực này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Trước đó, Ấn Độ đã giúp Việt Nam mua tàu tuần tra với Khoản vay tín dụng (LOC) trị giá 100 triệu USD. Ấn Độ cũng đã công bố thêm 500 triệu đô la LOC cho Hà Nội để giúp họ mua thêm thiết bị quốc phòng từ Ấn Độ.
Trong khi Mỹ cáo buộc Trung Cộng coi Biển Đông là “đế chế hàng hải” của mình, thì tháng trước, Ấn Độ cũng nhắc lại quan điểm của mình rằng nước này kiên quyết ủng hộ “tự do hàng hải và hàng không và thương mại hợp pháp và không bị cản trở trên các tuyến đường thủy quốc tế này, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS ”. Ấn Độ cũng cho biết Biển Đông là một phần của cộng đồng toàn cầu và nước này có “lợi ích chung” đối với hòa bình và ổn định ở đó.
Cũng như Ấn Độ cáo buộc Trung Cộng đơn phương thay đổi hiện trạng tại đường biên giới LAC, Việt Nam và các bên tranh chấp khác cáo buộc Bắc Kinh làm điều tương tự ở Biển Đông với việc xây dựng các đảo nhân tạo và lắp đặt thiết bị quân sự trong khu vực.
Hương Thảo
Source: DKN
Comments