Ảnh: Tòa Bạch Ốc
Chỉ một ngày trước Ngày bầu cử, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp để thúc đẩy “giáo dục lòng yêu nước” bằng cách thành lập Ủy ban 1776 liên bang, theo The Epoch Times ngày 2/11.
Tổng thống Trump đã viết trên Twitter cá nhân vào đêm trước Ngày bầu cử: “[Tôi] vừa ký lệnh thành lập Ủy ban 1776. Chúng ta sẽ ngăn chặn việc nhồi nhét tư tưởng cực tả cho học sinh của chúng ta, và khôi phục GIÁO DỤC LÒNG YÊU NƯỚC cho các trường học của chúng ta! ”
Tổng thống đã đề cập đến sắc lệnh hành pháp này trong cuộc vận động tranh cử ở Scranton, Pennsylvania, vào thứ Hai (2/11). “Tôi vừa ký sắc lệnh hành pháp đó để dạy sinh viên của chúng ta các giá trị thân thiện với nước Mỹ”, Tổng thống Trump nói với những người ủng hộ ông.
Tổng thống đã công bố ý tưởng về việc thành lập một Ủy ban giáo dục vào tháng 9, sau các nỗ lực dỡ bỏ các bức tượng của một số danh nhân trong cuộc Cách mạng Mỹ và các nhân vật thời thuộc địa trong bối cảnh bạo động do cái chết của George Floyd vào tháng 5.
Theo chi tiết của lệnh hành pháp được công bố trên trang web của Tòa Bạch Ốc vào thứ Hai, chính quyền Trump lưu ý: “Các cuộc tấn công gần đây vào nền tảng lập quốc của chúng ta đã nhắm mục tiêu vào lịch sử của nước Mỹ liên quan đến vấn đề chủng tộc”, chúng chứa đầy những lời bao biện “một chiều” và “gây chia rẽ”, mà “lờ đi hoặc không tôn vinh đúng mức, và nhớ lại những di sản vĩ đại của dân tộc Mỹ — những nỗ lực đầy dũng cảm và thành công của đất nước chúng ta để rũ bỏ lời nguyền nô lệ và sử dụng những bài học của cuộc đấu tranh đó để dẫn hướng công việc của chúng ta tới quyền bình đẳng cho tất cả công dân trong thời điểm hiện tại”.
“Trong những năm gần đây, một loạt các cuộc luận chiến dựa trên nền tảng học tập kém cỏi đã phỉ báng Nhà Lập quốc và những người đã xây dựng nên nền tảng của chúng ta”. “Bất chấp những phẩm hạnh và thành tựu của Quốc gia này, nhiều học sinh hiện được dạy trong trường phải căm thù đất nước của mình, và tin rằng những người đàn ông và phụ nữ đã gây dựng nên nó không phải là anh hùng, mà là những kẻ xấu xa”, sắc lệnh của Tòa Bạch Ốc nêu rõ.
Ủy ban Liên bang sẽ khích lệ một cái nhìn yêu nước về lịch sử Hoa Kỳ, nhưng họ lưu ý rằng một số trường học địa phương có quyền kiểm soát chương trình giảng dạy cho học sinh. Một số đảng viên Đảng Dân chủ cho biết họ sẽ chống lại sáng kiến liên bang.
“Việc khôi phục lại nền giáo dục Hoa Kỳ dựa trên các nguyên tắc lập quốc chính xác, trung thực, thống nhất, truyền cảm hứng và đầy tự hào của chúng ta, sau cùng phải thành công ở cấp địa phương. Phụ huynh và hội đồng trường học địa phương phải được trao quyền để đạt được nhiều lựa chọn hơn và đa dạng hơn trong chương trình giảng dạy ở cấp Tiểu bang và địa phương”, sắc lệnh nêu rõ.
Sắc lệnh được đưa ra sau khi Tổng thống Trump chỉ trích “Dự án 1619” gây tranh cãi của New York Times.
“Cánh tả đã làm cong vênh, bóp méo và làm ô uế câu chuyện nước Mỹ bằng những sự gian trá, lệch lạc và những lời nói dối”, Tổng thống Trump nói vào tháng 9. “Không có ví dụ nào rõ hơn Dự án 1619 hoàn toàn mất uy tín của New York Times”.
Tổng thống nói thêm: “Lý thuyết Chủng tộc Phê phán, Dự án 1619, và cuộc thập tự chinh chống lại lịch sử Hoa Kỳ là sự tuyên truyền độc hại — một chất độc ý thức hệ mà nếu không được loại bỏ, nó sẽ làm tan biến các mối liên kết công dân gắn kết chúng ta với nhau”.
Lý thuyết chủng tộc phê phán là một nhánh của triết học xã hội lý thuyết phê phán chịu ảnh hưởng của Karl Marx, được thúc đẩy bởi Trường phái tư tưởng Frankfurt. Một số người cánh hữu nhận ra rằng lý thuyết phê phán và lý thuyết chủng tộc phê phán là những nỗ lực lâu dài nhằm lật đổ chính thể Hoa Kỳ để mang lại chủ nghĩa xã hội hoặc chủ nghĩa cộng sản ở Hoa Kỳ.
Dự án 1619 do New York Times thúc đẩy, đã cố gắng nhắm vào lịch sử Hoa Kỳ về khía cạnh ảnh hưởng của chế độ nô lệ và những đóng góp của các cá nhân da đen. Người tạo ra dự án đã được trao giải Pulitzer vào đầu năm nay. Nó tuyên bố lệch lạc rằng cuộc Cách mạng Hoa Kỳ được chiến đấu để bảo tồn thể chế nô lệ hơn là vì tự do cá nhân và quyền lợi bẩm sinh của con người. Vào ngày 6/9, Tổng thống cho biêt rằng ông sẽ không tài trợ cho các trường tiếp nhận dự án này.
Hiệp hội Học giả Quốc gia (NAS) vào tháng 10 đã kêu gọi Hội đồng Giải thưởng Pulitzer thu hồi giải thưởng được trao cho Nicole Hannah-Jones, tác giả chính của “Dự án 1619” về những tuyên bố của ông về chế độ nô lệ.
“Toàn bộ Dự án đã bị hủy hoại bởi những sai sót tương tự,” quỹ học bổng NAS viết, nhận định rằng các nhà sử học nổi tiếng đã chỉ ra “những sai sót lịch sử nghiêm trọng, những suy đoán kết luận phiến diện, và những diễn giải gượng ép” của dự án này kể từ tháng 9/2019. Tác giả của nó, bà Hannah-Jones đã “không bác bỏ những lời chỉ trích này, hoặc đã không trả lời chúng một cách tôn trọng hoặc có ý nghĩa. Thay vào đó, bà ta đã gạt bỏ chúng”, họ nói.
Hương Thảo
Source: DKN
Comments