Trung Cộng công bố vaccine coronavirus mới do Tập đoàn Sinopharm sản xuất sẽ được đưa ra thị trường vào cuối năm nay với giá dưới 140 USD. (Ảnh: pixabay.com)
Vài ngày trước, các kênh truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đưa tin rằng, Trung Cộng sẽ đưa ra thị trường loại vaccine chống lại virus Viêm phổi Vũ Hán do họ nghiên cứu và phát triển vào cuối năm nay, giá bán đã được ấn định.
Một tuần trước, các quan chức cấp cao của Bộ Y tế Hoa Kỳ đã tiết lộ với giới truyền thông rằng một loại vaccine do Hoa Kỳ phát triển sẽ được đưa ra thị trường vào cuối năm nay và tất cả người Mỹ có thể sử dụng miễn phí. Dư luận cho rằng một cuộc cạnh tranh mới giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ đang diễn ra trong lĩnh vực vaccine ngăn ngừa virus Corona Vũ Hán, và ĐCSTQ đang cố gắng dùng vaccine làm vũ khí để tranh giành tiếng nói trên trường quốc tế.
Các kênh truyền thông đảng gần đây đưa tin, ông Lưu Kính Trinh (Liu Jingzhen), Chủ tịch Tập đoàn dược phẩm quốc gia Trung Cộng (Sinopharm), nói với báo chí rằng vaccine coronavirus mới do Tập đoàn Sinopharm sản xuất sẽ được đưa ra thị trường vào cuối năm nay với giá dưới 140 USD. Ông Lưu thậm chí còn tuyên bố rằng bản thân ông đã được tiêm phòng.
Trước đó, ông Paul Mango, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Hoa Kỳ, nói với truyền thông vào ngày 14/8 rằng Hoa Kỳ tự tin sẽ tung ra thị trường vaccine virus Corona Vũ Hán vào cuối năm nay và chính phủ đã đảm bảo rằng tất cả người Mỹ sẽ được tiêm chủng miễn phí.
Ông cũng nhấn mạnh rằng chính phủ Hoa Kỳ đảm bảo rằng tính an toàn của vaccine không bao giờ bị tổn hại. Ông nói: "Chúng tôi sẽ không bao giờ hạ thấp bất kỳ quy định sản xuất an toàn nào để đánh giá và phê duyệt vaccine”.
Chủ tịch Viện nghiên cứu Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), ông Francis Collins cũng nói với báo chí rằng sẽ có ít nhất một loại vaccine phòng ngừa virus Corona Vũ Hán ở Hoa Kỳ vào trước cuối năm nay. Ông “lạc quan một cách thận trọng”.
Một vòng cạnh tranh mới giữa Trung Cộng và Hoa Kỳ trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển vaccine dịch cúm Vũ Hán đã làm dậy sóng dư luận. Hôm 19/8, VOA đăng một bài viết với tựa đề "Cuộc chiến vaccine đã bắt đầu, liệu Trung Cộng có lặp lại Trận Waterloo?". (Trận Waterloo là một trong những trận đánh nổi tiếng nhất và cũng là dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh Napoléon).
Bài báo chỉ ra rằng mặc dù Trung Cộng vẫn chưa hoàn thành việc thử nghiệm vaccine trên người, nhưng họ đã bắt đầu lợi dụng vaccine để sửa chữa những rạn nứt trong quan hệ với nhiều nước, và họ cũng đang cố gắng sử dụng vaccine để lôi kéo Nga, lợi dụng Nga để cùng chống lại Mỹ.
Bài báo nêu rõ rằng trong chiến lược vaccine của ĐCSTQ, chính phủ Trung Cộng đã liệt Philippines là mục tiêu quan trọng đầu tiên để thể hiện tình hữu hảo. Bộ Ngoại giao Trung Cộng đã hứa với Philippines rằng một khi vaccine do Trung Cộng phát triển được tung ra thị trường, nó sẽ được ưu tiên cho Philippines sử dụng.
Nguyên nhân là do Hoa Kỳ đã tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông trong hai tháng qua, và mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Philippines đã trở nên gần gũi hơn, vậy nên ĐCSTQ đã cố gắng sử dụng vaccine để thể hiện sự ưu ái của mình đối với Philippines nhằm giảm bớt áp lực quân sự từ Hoa Kỳ.
Philippines là một trong những quốc gia chính đang cạnh tranh với Trung Cộng để đòi chủ quyền ở Biển Đông, nước này đã kiện chính phủ Trung Cộng ra Tòa án Trọng tài Quốc tế vào năm 2016 vì chủ quyền ở Biển Đông. Khi đó, Tòa án Trọng tài Quốc tế đã bác bỏ đường chín đoạn của Trung Cộng trên Biển Đông.
Ngoài ra, ĐCSTQ cũng hứa với Brazil, Indonesia và Pakistan rằng một khi vaccine do Trung Cộng phát triển được sản xuất hàng loạt, họ sẽ cung cấp hàng trăm triệu liều vaccine cho các nước này.
Mặc dù vaccine do Trung Cộng phát triển vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng gần đây, công ty CanSino Biologics Inc. của Trung Cộng đã đạt được thỏa thuận với Nga, và một khi được Bộ Y tế Nga phê duyệt, Nga sẽ được phép sản xuất vaccine do quân đội Trung Cộng và CanSino Biologics cùng phát triển.
Trước tình hình trên, nhà bình luận chính trị đương thời ở hải ngoại Đường Tịnh Viễn (Tang Jingyuan) đã chỉ ra rằng vì ĐCSTQ che giấu dịch bệnh khiến virus lây lan ra toàn cầu, nó đã trở thành mục tiêu chỉ trích của công chúng trên thế giới.
Nhưng sau khi tình hình dịch bệnh trong nước Trung Cộng bước đầu được kiểm soát, Bắc Kinh đã ngay lập tức cố gắng thổi phồng sự “thành công” trong việc phòng chống dịch bệnh của họ để chứng minh rằng thể chế độc tài toàn trị vượt trội hơn thể chế dân chủ.
Vì vậy, ĐCSTQ từng sử dụng các vật tư y tế chống dịch bệnh làm vũ khí, nhân cơ hội trên danh nghĩa hỗ trợ các quốc gia khác để ép buộc họ phải tung hô hoặc bày tỏ lòng biết ơn đối với ĐCSTQ nhằm mở rộng ảnh hưởng của ĐCSTQ.
Ông nói rằng với sự phát triển của dịch bệnh, dữ liệu dịch bệnh của ĐCSTQ đã bị vạch trần là giả mạo và các vật tư y tế chống dịch được xuất khẩu nhiều lần bị phơi bày có chất lượng thấp, khiến các mục tiêu tuyên truyền của ĐCSTQ không được như mong đợi.
Bây giờ ĐCSTQ đã thay thế “vũ khí” của mình, cạnh tranh để trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp vaccine nhằm tiếp tục mở rộng tầm ảnh hưởng và giành lấy tiếng nói trên trường quốc tế. Tuy nhiên, loại vaccine do ĐCSTQ phát triển vẫn chưa hoàn thành giai đoạn ba của quá trình thử nghiệm lâm sàng, nên cũng chưa có kết luận về tính an toàn và hiệu quả của nó.
Bài báo của VOA cũng đề cập đến việc ông John J. Donnelly, người đứng đầu Công ty TNHH Tư vấn Vaccine có trụ sở tại California, Hoa Kỳ, đã thẳng thắn nói trong một cuộc phỏng vấn với The Wall Street Journal rằng: "Nếu một loại vaccine không có tác dụng hoặc sau này, nếu xuất hiện vấn đề về an toàn, hoặc công ty liên quan không thể giao hàng đúng hạn, vậy thì tình huống đó sẽ rất xấu hổ".
Theo thông tin công khai, cho đến nay, Chính phủ Mỹ đã đầu tư hơn 10 tỷ USD cho 6 dự án nghiên cứu và phát triển liên quan đến vaccine Viêm phổi Vũ Hán, và 2 trong số các loại vaccine này đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III, đó là: vaccine mRNA do Công ty Pfizer của Mỹ và Công ty Công nghệ sinh học BioNTech của Đức hợp tác phát triển; vaccine mRNA-1273 do Công ty Moderna của Mỹ và Viện nghiên cứu Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ hợp tác nghiên cứu và phát triển.
Đông Phương
Source: NTDVN
Comments