top of page

Twitter xóa tài khoản TT Trump & tranh cãi nảy lửa về điều luật ‘bùa hộ mệnh’ của Big Tech


Ảnh chụp màn hình Twitter/Financial Times


Xuất hiện từ năm 1996, Điều 230 trong bộ luật chuẩn mực truyền thông Mỹ được xem như lá chắn bảo vệ các hãng công nghệ lớn.

Gần đây, Điều 230 đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông ban hành năm 1996 tại Mỹ đang là chủ đề gây tranh cãi. Những chính trị gia cho rằng nó giúp các công ty Internet không phải chịu trách nhiệm về nội dung của người dùng, có thể đưa ra quy định kiểm duyệt riêng. Hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh nhắm vào kiểm duyệt nội dung trên các trang mạng xã hội, với mục tiêu loại bỏ hoặc sửa đổi Điều 230. Nếu được thông qua, các công ty Internet sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý về nội dung do người dùng đăng tải. Không chỉ có mục đích bảo vệ quyền tự do ngôn luận, Điều 230 còn là “bùa hộ mệnh” của Twitter, Facebook, Google và các công ty Internet.

Điều luật 230 ra đời như thế nào

Thời điểm Điều 230 ra đời, người dùng Internet mới chỉ ở con số 40 triệu, thấp hơn nhiều so với lượng người dùng một ứng dụng như Snapchat hiện nay (229 triệu tài khoản) và Facebook (hơn 2,6 tỷ thành viên). Nhưng khi đó, các trang web đã phải đối mặt với nhiều rắc rối kiện tụng với hai trường hợp đặc biệt thu hút sự chú ý của các nhà lập pháp Mỹ.

Trường hợp đầu tiên xảy đến với một nhà cung cấp dịch vụ Internet có tên CompuServe, không đặt giới hạn cho những gì người dùng có thể đăng. Khi công ty bị một người kiện tội phỉ báng do nội dung của một người khác đăng lên, tòa án đã ra phán quyết có lợi cho công ty. Vị thẩm phán lý giải CompuServe rơi vào trường hợp giống một hiệu sách hoặc quầy bán báo – lưu trữ những nội dung mà người khác mang đến và hoàn toàn kiểm soát, không phải chịu trách nhiệm.

Trường hợp thứ hai, một công ty dịch vụ trực tuyến có tên Prodigy đã cố gắng duy trì một trang web thân thiện bằng việc kiểm duyệt nội dung người dùng đăng lên. Nhưng một lần nữa, công ty vẫn bị kiện tội phỉ báng do nội dung của một người khác đăng lên. Tòa án lần này lại ra phán quyết ngược lại khi tuyên Prodigy phải chịu trách nhiệm pháp lý. Công ty đã thực hiện việc kiểm soát nội dung, biên tập nội dung người dùng đưa lên và nó giống như một tờ báo và chủ sở hữu của nó phải chịu trách nhiệm.

Ngành công nghiệp Internet non trẻ khi đó đã lo lắng việc phải chịu “tai bay vạ gió” và một loạt dịch vụ mới sẽ không thể phát triển. Để tạo điều kiện cho Internet phát triển, quốc hội Mỹ cuối cùng đã đồng ý và thêm vào Điều 230 trong Đạo luật về Chuẩn mực Truyền thông. Điều 230 thành “cái gai” trong mắt TT Trump

Tổng thống Trump và những người ủng hộ cho rằng Điều 230 đã trao cho các công ty Internet quá nhiều sự bảo vệ pháp lý và cho phép họ trốn tránh trách nhiệm về các hành vi của mình. Ông cũng cáo buộc rằng các nội dung đăng lên Facebook, Twitter phải chịu sự kiểm duyệt ngầm nhưng thường bị các công ty này phủ nhận.

Trong xung đột gần nhất giữa Twitter và Trump, Tổng thống Mỹ cáo buộc mạng xã hội này kiểm duyệt thông tin cũng như “bịt miệng” những tiếng nói theo trường phái bảo thủ cánh hữu khi dán nhãn hai dòng tweet của ông là “không có căn cứ” và thêm vào những biểu tượng dấu chấm than màu xanh nhạt cảnh báo.

Ngoài Tổng thống Trump, cựu phó Tổng thống Joe Biden, Thượng nghị sĩ Josh Hawley cũng kêu gọi bãi bỏ Điều 230. Tuy nhiên, không dễ dàng để làm điều này. Các công ty như Facebook, Twitter, Google nhiều khả năng sẽ phản đối đề xuất, khiến quá trình thảo luận của Quốc hội bị kéo dài.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz từ đảng Cộng hòa ví luật này như là món “trợ cấp, đặc quyền” cho các hãng công nghệ lớn và cần được xem xét lại. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi gọi Điều 230 là “món quà có thể loại bỏ” cho các công ty công nghệ.



Quý Khải

Source: DKN





Recent Posts

See All

Comments


bottom of page